(BĐT) - Sau khi Báo Đấu thầu đăng tải bài viết “Nộp tiền mới được dự thầu”, đại diện Bên mời thầu – Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Quang Luân đã có văn bản giải trình rõ hơn về yêu cầu này tại HSMT Gói thầu số 1: Thiết bị thuộc Dự án Đầu tư trang thiết bị xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Những quan điểm trái chiều về thanh khoản tiền mặt giữa các bên vẫn chưa có hồi kết. Và bên mời thầu đã tự “cởi trói” cho mình bằng cách xem xét cho qua với những phương án chứng minh tài chính khác của nhà thầu.
Tiền mặt không phải là tiêu chí cứng!
Ngày 23/6/2016, Báo Đấu thầu nhận được Văn bản số 12/CV-ĐHP của Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Quang Luân (Tư vấn Quang Luân) về việc giải trình những nội dung kiến nghị của nhà thầu An Hải Long. Những kiến nghị của nhà thầu Công ty TNHH MTV An Hải Long (Nhà thầu An Hải Long) về Gói thầu số 1: Thiết bị thuộc Dự án Đầu tư trang thiết bị xây dựng trường chuẩn quốc gia (10 phòng máy vi tính + 02 phòng học bộ môn) trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 - 2020 đã được Báo Đấu thầu đăng tải trên số báo ra ngày 22/6/2016. Được biết, UBND huyện Vĩnh Cửu cũng vừa yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Vĩnh Cửu giải trình về việc làm rõ hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu này.
Văn bản của Tư vấn Quang Luân gửi Báo Đấu thầu cho biết, sau khi nghiên cứu các nội dung kiến nghị của nhà thầu, xem xét lại quá trình lập HSMT, tổ chức mời thầu, đơn vị này đã tuân thủ theo tinh thần của Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT ngày 16/6/2015 của Bộ KH&ĐT. Hiện nay, năng lực của nhiều nhà thầu rất khó kiểm chứng. Do đó, việc yêu cầu chứng minh khả năng thanh khoản bằng tiền mặt vào tài khoản của chủ đầu tư là cần thiết và được cho phép. Sau khi có kết quả trúng thầu giá trị thanh khoản cao này được chuyển trả cho nhà thầu theo đúng nội dung nêu trong HSMT.
Tuy vẫn bảo lưu quan điểm đưa ra yêu cầu thanh khoản là tiền mặt tại gói thầu này là cần thiết, nhưng ngày 24/6/2016, đại diện Tư vấn Quang Luân cung cấp thêm thông tin, dù HSMT có đặt ra yêu cầu này nhưng quá trình tổ chức đấu thầu, bên mời thầu vẫn tạo điều kiện để các nhà thầu thuận lợi nhất khi lập hồ sơ dự thầu (HSDT). “Chúng tôi có liên hệ với Nhà thầu An Hải Long và khẳng định, nếu nhà thầu này có ý định tham gia gói thầu này đến cùng và vẫn giữ quan điểm không chấp nhận chuyển khoản tiền mặt thì bên mời thầu vẫn xem xét để đánh giá HSDT như các nhà thầu khác. Bên cạnh đó, trong quá trình dự thầu, có một nhà thầu không chuyển khoản tiền mặt, mà cung cấp hợp đồng tín dụng có giá trị cao, và bên mời thầu đã đánh giá đạt ở tiêu chí này. Rõ ràng, chúng tôi không coi đây là tiêu chí “cứng” để loại bỏ ngay các nhà thầu” - tư vấn Quang Luân cam kết.
Khuyến cáo lạm dụng yêu cầu thanh khoản tiền mặt
Chuyên gia Nguyễn Việt Hùng cho rằng: “Nhà thầu dự thầu chỉ cần chứng minh nguồn lực tài chính bằng số tiền như HSMT yêu cầu thông qua tài liệu, sao kê số dư ngân hàng, hợp đồng tín dụng... là đã tuân thủ đúng tinh thần của Thông tư số 05 (cụ thể là Mẫu số 1). Việc sử dụng tiền mặt cho yêu cầu này là hiểu chưa đầy đủ tinh thần của pháp luật về đấu thầu xét về toàn bộ bối cảnh của quá trình đấu thầu”.
Mặc dù Tư vấn Quang Luân cho rằng, “việc quản lý số tiền mà nhà thầu chuyển vào số tài khoản của chủ đầu tư là hoàn toàn minh bạch, không có bất cứ yếu tố nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi tài chính của nhà thầu dự thầu”, song nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo cần thận trọng với yêu cầu này vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình đánh giá HSDT, hạn chế của việc sử dụng tiền mặt, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi tài chính của các nhà thầu…
Từ góc độ của các nhà thầu dự thầu, một số quan ngại đưa ra đều xoay quanh việc dù chủ đầu tư và bên mời thầu cam kết quản lý, hoàn trả số tiền của nhà thầu chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư theo đúng như HSMT thì vẫn thiếu sự cam kết cao nhất. Yêu cầu chứng minh nguồn lực tài chính huy động cho gói thầu này là quá cứng nhắc và tạo áp lực cho nhà thầu một cách không cần thiết. “Với nhà thầu, tài sản bằng tiền mặt là kênh phải huy động, phải tham gia hiệu quả nhất vào hoạt động đầu tư, kinh doanh. Do đó, yêu cầu “đóng băng” một khoản tiền lớn vào tài khoản chủ đầu tư một mặt dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực, mặt khác gây khó khăn trong việc huy động tiềm lực vào quá trình đấu thầu của mỗi nhà thầu” - một nhà thầu nhận xét.
Văn Huyền